Danh sĩ Nguyễn Đình Hiến sinh ngày 6.4.1872 tại làng Lộc Đông, tổng Trung Lộc nay là thôn Lộc Đông, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn. Cụ Nguyễn Đình Hiến có tên chữ là Dực Phu, hiệu Ấn Nam, thụy là Mạnh Khả, là con trai trưởng của ông Nguyễn Đăng Khoa, người đã tích cực ủng hộ và tham gia phong trào Cần Vương tại căn cứ Tân Tỉnh; là hậu duệ thứ 10 của Dặc trấn phụ quốc, Thượng tướng quân Mậu Lâm bá Nguyễn Văn Địch, quê gốc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đầu thế kỉ XV Nguyễn Văn Địch và nhiều người cùng quê đi vào phương Nam theo đoàn quân nam chinh của nhà Hồ vượt đèo ngang đến an cư lập nghiệp, khai hoang, quy dân lập ấn, hình thành nên làng Lộc Đông, xã Quế Lộc ngày nay.
Ông Hiến xuất thân từ tầng lớp nông dân bậc trung, sinh ra và lớn lên trong gia đình có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Thuở bé, ông nổi tiếng thông minh, học giỏi, là một trong bốn nho sinh ưu tú nhất của trường Đốc Thanh Chiêm. Khoa thi Hương năm Canh Tý (1900) ở Huế ông lấy tên là Nguyễn Duy Phiên và đỗ Á nguyên tại trường Thừa Thiên. Kỳ thi đó có 4 sĩ tử Quảng Nam đều đỗ được xếp từ cao xuống thấp là Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Lê Bá Trinh. Khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901), ông tiếp tục đỗ Phó bảng đứng hàng thứ ba trong số 13 Phó bảng của kỳ thi Hội và được xếp vào hàng “Tứ kiệt” gồm Nguyễn Đình Hiến, Nguyễn Mậu Hoán, Võ Vỹ, Phan Châu Trinh và được vinh dự ghi tên trong danh sách “Tứ hùng” của đất Quảng. Lúc bấy giờ người đương thời đánh giá cụ Hiến là một trong các nho sinh ưu tú nhất của đất học Quảng Nam ở những năm cuối thế kỷ XIX.
Sau những tháng năm kết thúc đời sĩ tử, ông được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm quan từ cấp thấp tại triều đình cũng như trấn nhiệm ở các huyện, phủ đến cấp cao tại kinh đô Huế, đi sứ ra nước ngoài và làm tuần vũ, tổng đốc ở các tỉnh thành. Hai mươi lăm năm trên chốn quan trường, từ chức kiểm thảo Viện hàn lâm, tri huyện đến tổng đốc, khi ở Bình Phú, Hoài Nhơn khi ra Quảng Bình, Hà Tĩnh ông đều được đồng nghiệp và nhân dân kính trọng, quý mến, tin yêu. Cụ Hiến không chỉ là người tiêu biểu cho sự phát triển năng lực trí tuệ mà còn hoàn thiện về phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực. Tính cương trực và tinh thần yêu nước nồng nàn của cụ đã biểu lộ một cách hiên ngang như thách thức đối với cả tập đoàn bán nước cầu vinh và cả bọn thực dân Pháp thống trị đương thời. Việc cụ Hiến lập hương án trước dinh nghinh đón hài cốt nhà chí sĩ yêu nước Trần Quý Cáp khi gia đình cụ Trần và môn sinh cải táng mộ cụ về quê hương Quảng Nam gây xúc động cả nhân dân và giới quan lại yêu nước lúc bấy giờ; lên án Nguyễn Thân – Tổng đốc Bình Định tàn ác với nhân dân, với những người hiền tài hay sự công bộc, sáng suốt phát giác minh xử vụ trọng án giết người cướp của mà người dân thường hay gọi là “Vụ án Thông Tằm” năm 1923 khi làm Tổng đốc Bình Phú (Bình Định, Phú Yên)… tất cả những việc làm đó đều khẳng định tính cương trực, không xu nịnh, khí tiết, thanh liêm, lòng yêu nước thương dân, yêu công lý của một nhà nho chân chính.
Mùa đông năm Bính Tý 1936, cụ Hiến quyết định mở “xa lộ” đèo Le nối huyện Quế Sơn và Nông Sơn bây giờ để người dân đi lại, làm ăn thuận lợi, phát triển kinh tế. Cụ đích thân trao đổi tâm tư nguyện vọng với Tổng đốc Ngô Đình Khôi và thuyết phục luôn cả tên Công sứ nên công trình mở rộng “xa lộ” đèo Le được khởi công nhanh chóng từ mùa hè năm 1937 đến hè năm 1939 thì hoàn thành. Từ ngày có đường đèo Le nới rộng, việc giao thương, đi lại giữa các làng phía trên Tây Viên và phía dưới Cây Bùi dần dà khởi sắc, nhân dân hớn hở vui mừng. Theo nội dung tấm bia chính được tìm thấy tại đèo Le do chính tay cụ Nguyễn Đình Hiến cẩn soạn bằng chữ Hán thì sự hiểm trở, khó đi lại của đèo Le lúc bấy giờ được miêu tả như sau: “Con đường đèo Le Quế Sơn thật là hiểm trở, về phía Đông có hai tổng Trung Châu là: Thuận Mỹ, An Phú, tiếp về phía Tây là tổng Trung Lộc miền cao, thông với đường sông Thu Bồn và giáp miền thượng man, chung quanh đều là núi cao tạo thành một bức tường thành trời định, trước đây người qua lại tổng Trung Lộc đều than thở đường hiểm núi cao, đá chởm, đất bùn…”
Cụ Nguyễn Đình Hiến một con người không chỉ thể hiện cao về mặt trí tuệ, uyên bác, một nhân cách lớn mà ông còn là một danh sĩ của văn học Quảng Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Ông sáng tác thơ văn khá nhiều nhưng bị thất lạc trong chiến tranh cũng như khi di chuyển chỗ ở. Hiện nay chỉ còn lại một số tác phẩm như: “Quảng Nam phú”, “Đón xuân”, “Vịnh núi Chúa”, “Trà Bang sơn động”, “Tây Sà kĩ lãm”. Đặc biệt là bài bia “Cổ kính trùng viên thuyết” (Gương cũ lại tròn) khoảng 2200 từ do cụ Hiến viết và được khắc vào bia đá có chiều cao 162cm dựng năm 1930 bên cạnh một giếng bỏ hoang từ lâu đời nằm kề khuôn viên Thủy Thạch Quỳnh (Huế). Đây là một bản văn không chỉ có giá trị cao về phương diện văn chương mà còn hàm súc cả về mặt tư tưởng, điều đó cho thấy tác giả không chỉ là bậc thầy lỗi lạc trong làng thơ phú mà còn là đỉnh cao của nghệ thuật viết truyện.
Sau những năm tháng cống hiến trên chốn quan trường, năm 1928 ông được điều về kinh đô rồi xin về hưu trí ở tuổi 56 với hàm Hiệp tá Đại học sĩ. Trở về Huế ông sống ở ấp Bình An dưới dốc Nam Giao cùng vợ con, lập ngôi nhà vườn có tên Thủy Thạch Quỳnh. Năm 1931, sau khi vợ là bà Tôn Nữ Thị Trinh qua đời, ông trở về nguyên quán ở làng Lộc Đông dựng túp lều tranh sống bình dị, an dưỡng tuổi già và ra đi thanh thản vào ngày 17 tháng 3 năm 1947, hưởng thọ 75 tuổi. Hiện, mộ cụ Nguyễn Đình Hiến được nhà nước xây dựng dưới chân núi Bờ Gà thuộc thôn Lộc Tây 2, xã Quế Lộc (Nông Sơn) và được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử vào ngày 8.2.2017.