Tháng 10 năm 1885, sơn phòng Dương Yên bị thất thủ, tháng 11 năm 1885, Pháp huy động lực lượng lớn kết hợp với quân của triều đình tấn công gây tổn thất cho lực lượng của Nghĩa hội Quảng Nam tại Đại Lộc, Quế Sơn, Hà Đông, Tiên Phước. Trước tình hình đó, Tiến sĩ Trần Văn Dư bàn giao lại trọng trách cho Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, tự ông ra Huế thương nghị với triều đình. Khi ghé vào tỉnh thành La Qua (Điện Bàn) ông bị địch bắt và xử bắn vào ngày 8 tháng 11 năm 1885. Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu lên thay làm Hội chủ trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, với nhãn quan của nhà quân sự, chính trị có tài, ông quyết định chuyển Nghĩa hội Quảng Nam về đứng chân và xây dựng căn cứ, tổ chức kháng chiến lâu dài tại thung lũng Trung Lộc (nay thuộc xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn), gọi tên là căn cứ Tân Tỉnh, với ý nghĩa là tỉnh lỵ mới của nghĩa quân.
Hình ảnh Căn cứ Tân Tỉnh hiện nay nhìn từ trên cao
Chỉ tồn tại trong thời gian ngắn từ đầu năm 1886 đến năm 1887 nhưng căn cứ Tân Tỉnh được xây dựng khá quy củ, thực sự trở thành trung tâm chính trị – hành chính – quân sự và phát huy vai trò hết sức to lớn trong các hoạt động của Nghĩa hội Quảng Nam, đưa Quảng Nam trở thành một trong những địa phương tiêu biểu trong Phong trào Cần vương cuối thế kỷ XIX.
Trung Lộc được xem là vùng đất “thiên hiểm”, với nhiều ưu thế do tự nhiên mang lại, đứng chân tại căn cứ Tân Tỉnh, nghĩa quân tiến có thể đánh, lùi có thể thủ và rất thuận lợi trong việc bảo đảm nhu cầu lương thực, khí giới. Về thế thủ, thung lũng Trung Lộc dài khoảng 150km, rộng khoảng 2km, nơi hẹp nhất khoảng 1km. Ba phía đông, tây, nam của căn cứ đều là núi non bao bộc như những bức tường thành tự nhiên. Khi gặp sự biến, nghĩa quân có thể rút lui bằng đường sông Thu Bồn hoặc đường bộ ngược lên Phước Sơn, tiến sâu vào vùng núi hiểm trở phía tây của tỉnh. Quân Pháp và lính Nam triều muốn xâm nhập vùng đất “thiên hiểm” này phải vượt qua nhiều đèo, truông, gành thác, khe… với những địa danh như truông Phường Rạnh, truông Trạch, bãi Bà, thác Ông, bến Tý, bến Sé, đò Kẽm, gành Ngô, đèo Le, dốc Giảm Thọ… Đặc biệt về phía đông, địch muốn từ cửa Hàn, cửa Đại Chiêm (cửa Đại) tấn công lên căn cứ Tân Tỉnh phải vượt qua dãy núi Hòn Tàu trùng điệp, với những con đường đèo, dốc hiểm trở, nơi nghĩa quân có thể tổ chức mai phục hiệu quả. Về thế công, từ căn cứ Tân Tỉnh nghĩa quân có thể theo đường sông Thu Bồn tấn công xuống Đại Lộc, Vĩnh Điện, La Qua, Cửa Hàn, từ sông Hương An tiến ra cửa Đại. Có thể phát triển theo đường bộ dễ dàng phát triển tấn công xuống Hội An, Vĩnh Điện, Đà Nẵng, Thăng Bình, Tiên Phước, Hà Đông…
Thung lũng Trung Lộc với thổ nhưỡng đất sét trộn pha đất phù sa rất màu mỡ, từng được dân gian xem là một trong bốn vùng đất màu mỡ của tỉnh Quảng Nam: An Trạch, La Qua, Lai Nghi, Trung Lộc, ruộng đất đã được nhân dân khai phá từ rất sớm. Phía sau Tân Tỉnh còn có rẫy Cờ Vỹ cũng là khu vực phì nhiêu nghĩa quân có thể tự túc lương thực, thực phẩm phục vụ chiến đấu lâu dài. Trong khu vực căn cứ sẵn có những mỏ sắt ở Trung Lộc Đông, Trung Lộc Tây, An Xuân nhân dân đã từng khai phá để chế tạo dụng cụ, đây là điều kiện tốt để nghĩa quân khai thác rèn đúc khí giới, nông cụ sản xuất. Nhân dân khu vực Trung Lộc theo tiền nhân vào khai phá vùng đất mới từ thời nhà Hồ; trải qua nhiều biến cố của thiên tai, địch họa luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng vì nghĩa lớn, sẵn sàng ủng hộ chính nghĩa đánh đuổi lũ ngoại xâm và bon áp bức, bóc lột.
Như vậy, thung lũng Trung Lộc là địa bàn hội đủ các yếu tố địa lợi và nhân hòa để lực lượng khởi nghĩa trụ bám, xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài. Trong thực tế, nhờ vị trí, địa thế và lòng dân nơi đây, Nghĩa hội Quảng Nam đã phát triển khá vững chắc, tổ chức được nhiều hoạt động tiêu biểu so với thời kỳ trước.
Dựa vào vị trí, địa thế và lòng dân, Nghĩa hội Quảng Nam đã xây dựng căn cứ Tân Tỉnh thành trung tâm chính trị – hành chính – quân sự, gồm có lục bộ, nha, thự, trại, nhà; sách Đại Nam thực lục ghi: “Ở xã Trung Lộc, bọn ngụy hội (tức là nghĩa hội) đặt ngụy tỉnh tại đây, có đủ 6 bộ, nha, thự, trại, nhà và cả đến Văn Thánh”. Phía bắc của căn cứ là bãi luyện quân, ngục thất và bãi chém. Bên trái của lục bộ là văn miếu, Nguyễn Duy Hiệu tổ chức tấn công, đột nhập vào văn miếu ở thành La Qua rước 150 bài vị các tiên thánh, tiền hiền và các đồ thờ tự đưa về nơi thờ mới. Ngoài ra, trong căn cứ còn bố trí khu vực để kho lương, kho muối. Toàn bộ khu căn cứ được bao bọc bỡi một rào tre vót nhọn đan chéo kiên cố, có vọng gác ở bốn góc. Bất cứ ai vào liên hệ với căn cứ đều được tổ chức kiểm soát nghiêm ngặt và bố trí nghỉ chân tại một trạm khách cách căn cứ khoảng 1km về phía đông.
Toạ đàm khoa học do UBND Huyện Nông Sơn tổ chức
Trong quá trình hoạt động, căn cứ Tân Tỉnh không chỉ là nơi diễn ra nhiều cuộc họp, luận bàn quan trọng của Nghĩa hội và hiệp khách đương thời mà cũng tại đây, Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu đã thừa lệnh vua Hàm Nghi, phong chức cho những người có công trong sự nghiệp cứu nước và quyết định những bản án nghiêm khắc đối với những tên phản bội chống lại Nghĩa hội.
Được sự ủng hộ của nhân dân, thế và lực của Nghĩa hội Quảng Nam ngày càng lớn mạnh, nghĩa quân ra sức luyện tập quân sự và tổ chức nhiều trận đánh điển hình, tiêu biểu như: Đầu năm 1886, quân Pháp mở rộng tuyến đường đèo Hải Vân nối Đà Nẵng với Huế để phục vụ cho nhu cầu cơ động lực lượng bình định, đàn áp các cuộc khởi nghĩa. Chúng bắt nhân dân Quảng Nam, Thừa Thiên lao động khổ sai, dân phu lâm bệnh chết quá nửa nên nhiều người tìm cách bỏ trốn, phản ứng hoặc lãn công. Nguyễn Duy Hiệu nhận thấy đây là thời cơ tốt để tấn công giành thắng lợi, gây tiếng vang, khôi phục lại uy danh của Nghĩa hội sau khi Sơn phòng Dương Yên thất thủ, Hội chủ Trần Văn Dự bị xử tử. Ông lệnh cho nghĩa quân nắm tình hình, ra sức luyện tập và tấn công vào đoàn tùy tùng của tên đại úy công binh đang trú chân tại trạm Nam Chơn. Đêm 28/2/1886, 300 nghĩa quân được trang bị mồi lửa và lao nhọn tập trung tại làng Cu Đê, dùng thuyền và ghe tam bản theo cửa sông Thủy Tú ra vịnh Đà Nẵng, vòng theo eo biển Chân Sảng, tiến vào làng Chân Sảng, bao vây trạm, chặt đầu tên chỉ huy, đốt nhà thiêu chết 6 tên con lại rồi rút êm trong đêm. Đây là đơn vị công binh đầu tiên của Pháp bị xóa sổ ở Việt Nam; sau này trong một tài liệu, người Pháp gọi sự kiện này là “Thảm kích Nam Chơn”.
Cũng xuất phát từ căn cứ Tân Tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 1986, nghĩa quân của Nguyễn Duy Hiệu 2 lần tổ chức tấn công vào tỉnh thành La Qua, đốt phá 350 ngôi nhà và trại lính của địch, tập kích quân địch ở An Hải, Hà Thân (Đà Nẵng), ở Thăng Bình và Hà Đông. Điển hình, ngày 16/5/1886, khoảng 400 nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của Tán Hàm (Nguyễn Hàm) và tán Bùi đột nhập phóng hỏa đốt cháy 40 ngôi nhà xung quanh trại lính Pháp ở thành Điện Hải. Hai hôm sau, nghĩa quân tiếp tục quay lại đốt dãy nhà do quân Pháp vừa mới dựng lên làm nơi tiếp phẩm tại chợ Hà Thân ở ngay hữu ngạn sông Hàn.
Trước khí thế mạnh mẽ của Nghĩa hội Quảng Nam, Đồng Khánh phái một lực lượng do Phan Liêm và Phạm Phú Lâm chỉ huy vào Quảng Nam, vừa hiệu dụ vừa tiến hành “bình định” nghĩa quân. Khi đoàn quân kéo đến Phong Thử (Điện Bàn) thì bị nghĩa quân mai phục; nhờ có quân Pháp tiếp cứu kịp thời nên lực lượng này không bị tiêu diệt.
Tiếp sau đó, Nghĩa hội Quảng Nam giành chiến thắng quan trọng tại Bãi Chài (Vân Ly, Điện Bàn). Trong trận đánh này, nghĩa quân đã mưu trí chia làm 3 đội, dùng ghe tam bản và ghe lườn, ba mặt giáp công vào Bãi Chài, mặt trên bộ do một đội xung kích từ bến đò đánh ra. Từ đồn Bình Yên, Tán tương Trần Huy cũng cho người lên thượng lưu sông Thu Bồn đóng bè bằng hòm dâu thả trôi xuống Bãi Chài. Đây là loại bè gióng mây 2 bên có thể điều khiển trôi ngầm dưới nước, đến một cự ly nhất định, gần mục tiêu, nếu địch phát hiện cũng không thể tránh kịp. Trên bè, nghĩa quân bố trí thuốc nổ với liều cực mạnh. Khi chiếc bè nổ làm 3 ca nô chìm xuống nước, ba hướng tấn công bằng đường thủy và mũi trên đường bộ xung phong, dùng câu liêm móc đầu bọn giặc ngã nhào xuống nước, nhiều tên vùng vẫy bơi vào bờ, bị nghĩa quân dùng giáo đâm chết.
Để trả thù nghĩa quân, Pháp đưa quân bộ kéo vào Hóa Mỹ, đi sâu vào nội địa Ái Nghĩa, với quyết tâm hạ đồn Núi Lở. Tán tương Trần Huy họp cùng Thương biện tỉnh vụ Bùi Xuân Bảng, quyết định sử dụng nghĩa quân giỏi võ nghệ, dùng côn trượng phục kích tại Gò Muồng dài 2km, đánh cận chiến đẩy lùi quân Pháp. Tin Chiến thắng liên tiếp báo về đại bản doanh Tân Tỉnh – Trung Lộc, làm nấc lòng quân sĩ, nhân dân phấn khởi. Nghĩa hội quyết định khao quân ngay tại đồn Bình Yên. Đại biểu về dự đông đủ, trong đó có cả Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu và phụ tá Phan Bá Phiến, tại đây các lãnh tụ đã trao cho quân dân đồn Bình Yên một tấm vải điều có viết hai câu: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Tháng 6 năm 1886, tiếp tục thực hiện mục tiêu thống nhất lực lượng cần vương của 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu cho quân luyện tập, chuẩn bị lương thảo và hành quân tiến đánh địch ở Bình Sơn (Quảng Ngãi). Chiến thắng quan trọng này của Nghĩa hội Quảng Nam chính thức đánh dấu bước phát triển mới, đã liên thông Phong trào Cần vương ở địa bàn 3 tỉnh sát ngay phía nam kinh thành Huế.
Sự lớn mạnh của Phong trào Cần vương 3 tỉnh nói chung và Nghĩa hội Quảng Nam nói riêng là “cái gai” trong mắt quân Pháp và triều đình Đồng Khánh. Chúng phải huy động nhân vật lực bố trí hệ thống 36 đồn bót, phái khâm sai trực tiếp vào đối phó và phải 2 lần thay đổi chức tuần vũ của tỉnh Quảng Nam. Nham hiểm hơn, thực dân Pháp và triều đình Đồng Khánh dốc sức huy động lực lượng lớn gồm 400 lính Pháp, 200 lính tập, cùng với 100 thân binh của Nguyên Thân mở cuộc tấn công vào căn cứ Tân Tỉnh từ nhiều phía. Nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu và phụ tá Phan Bá Phiến đã dựa vào thế núi, thế sông và sự ủng hộ của nhân dân chiến đấu kiên cường, tiêu diệt nhiều tên địch nhưng thế địch quá mạnh, lại được trang bị vũ khí có uy lực vượt trội nên nghĩa quân từng bước thất bại. Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu lệnh đốt phá nhà cửa, kho tàng ở căn cứ Tân Tỉnh rồi rút lui về phía tây, đến căn cứ dự phòng tại An Lâm bên bờ sông Khang để tiếp tục chỉ huy nghĩa quân chiến đấu. Trong tình thế không thể đảo ngược, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu bàn với Phan Bá Phiến: “Nghĩa hội ba tỉnh ông với tôi thật chủ trương. Việc đã không thể làm thì chỉ có chết mà thôi. Nhưng hai ta cùng chết một lúc là vô ích. Ông hãy chết trước. Phần tôi, tôi sẽ giải tán đảng, rồi đem thân mặc cho Pháp bắt. Người Pháp tra hỏi, tôi sẽ cực lực giải thoát cho đảng ta. Một mình tôi chết không đáng tiếc, còn đảng ta sau này có kẻ làm thành chí ta, tức là ta sống đó”.
Kế thừa và phát huy truyền thống xây dựng căn cứ địa của cha ông ta, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu cùng với Nghĩa hội Quảng Nam đã thể hiện tầm nhìn và nhãn quan chính trị, quân sự nhạy bén, đã dựa chắc vào các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để xây dựng căn cứ Tân Tỉnh quy củ, thành trung tâm chính trị – hành chính – quân sự của Nghĩa hội, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến Phong trào Cần vương các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. So với các căn cứ kháng chiến khác trong Phong trào Cần vương trên phạm vi cả nước, căn cứ Tân Tỉnh có những đặc điểm riêng: Đây là căn cứ dựa chắc vào lòng dân và vị trí, địa thế “thiên hiểm” của tự nhiên, không quá chú trọng vào việc gia cố thành cao, hào sâu như nhiều căn cứ khác; căn cứ của Nghĩa hội Quảng Nam là căn cứ duy nhất trong cả nước gọi tên là Tân Tỉnh sau Tân Sở của vua Hàm Nghi ở Cam Lộ, Quảng Trị; căn cứ Tân Tỉnh không chỉ là nơi đứng chân, xây dựng lực lượng, làm bàn đạp tấn công địch mà thực sự trở thành trung tâm chính trị – hành chính – quân sự, một tỉnh lỵ mới của nghĩa quân.
Căn cứ Tân Tỉnh cùng với nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu liên quan đến hoạt động của Nghĩa hội Quảng Nam, tấm gương xả thân vì nước của Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, cử nhân Phan Bá Phiến là minh chứng sinh động cho tinh thần kiên cường, bất khuất, một lòng vì nghĩa lớn, sẵn sàng gánh vác việc giang sơn và tinh thần yêu nước, chống lại bạo ngược, quyết giành cuộc sống độc lập, tự do của người dân đất Quảng; đó là nguồn tư liệu sinh động để tuyên truyền, giáo dục, noi gương cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN xã Quế Lộc tổ chức công bố quyết định xếp hạng Di tích lich sử cấp tỉnh Khu căn cứ Tân Tỉnh Trung Lộc
Căn cứ Tân Tỉnh được công nhận di tích lịch sử xếp hạng cấp tỉnh sẽ là cơ sở, tiền đề thuận lợi để cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, giữ gìn và xúc tiến việc quy hoạch, đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị vốn có của di tích lịch sử tiêu biểu này đồng thời là cơ sở hiện hữu đầy đủ các yếu tố khoa học, lịch sử, văn hóa để đề nghị cấp trên xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia trong thời gian đến.